Ba Ngôi Thiên Chúa xét xử mọi người
như trong dụ ngôn tách rẽ chiên và dê
Thông Điệp Deus Caritas Est - Thiên Chúa là Tình Yêu số 28 của ĐTC Benedictô
Để xác định chính xác hơn mối tương quan giữa việc dấn thân cần thiết cho công lý và thừa tác vụ bác ái, hai hoàn cảnh nền tảng cần được xem xét:
a) Tổ chức đúng đắn cho xã hội và Quốc gia là một trách nhiệm cốt yếu của chính trị. Như thánh Augustinô đã từng nói, một Quốc gia không được cai trị theo công lý chỉ có thể là một bầy trộm cướp: “Remota itaque iustitia quid sunt regna nisi magna latrocinia?”[18] Sự phân biệt giữa cái gì thuộc về Xêda và cái gì thuộc về Thiên Chúa (x. Mt 22,21) là nền tảng đối với kitô giáo, nói cách khác, sự phân biệt giữa Hội Thánh và Quốc gia, hoặc, như Công đồng Vatican II diễn đạt, sự độc lập của lãnh vực trần thế.[19] Chính quyền không thể áp lực trên tôn giáo, tuy nhiên nó phải bảo đảm quyền tự do tôn giáo và sự hoà hợp giữa những người theo các tôn giáo khác nhau. Về phần mình, Hội Thánh, như một diễn tả về phương diện xã hội của đức tin kitô giáo, có một sự độc lập riêng và được tổ chức trên nền tảng của đức tin như một cộng đoàn mà Chính quyền phải nhìn nhận. Hai lãnh vực phân biệt lẫn nhau, tuy vậy luôn có quan hệ lẫn nhau.
Công lý vừa là mục tiêu và tiêu chuẩn nội tại của mọi quyền lực chính trị. Chính trị còn hơn là một cơ chế để xác định luật lệ cho đời sống công cộng: nguồn gốc và mục đích của nó được tìm thấy trong công lý, và nó thuộc về lãnh vực đạo đức [luân thường đạo lý]. Chính quyền không thể không đối diện với câu hỏi: làm thế nào để công lý có thể được thực hiện nơi đây và lúc này. Nhưng câu hỏi đó bao hàm một câu hỏi triệt để hơn nữa: công lý là gì? Đây là một vấn đề liên quan đến lý trí thực hành; nhưng để có thể được sử dụng cách đúng đắn, lý trí cần phải trải qua sự thanh luyện thường xuyên, bởi vì lý trí không bao giờ có thể được hoàn toàn giải thoát khỏi nguy cơ của một thứ mù quáng về phương diện đạo đức, gây ra bởi tác dụng chói chang của quyền lực và lợi ích.
Chúa Giêsu ánh sáng của thế giới
Tại điểm này, chính trị và đức tin gặp nhau. Đức tin do bởi bản tính riêng là một sự gặp gỡ với Thiên Chúa hằng sống—một cuộc gặp gỡ mở ra những chân trời mới vượt khỏi lãnh vực của lý trí. Nhưng đồng thời nó là một sức mạnh có sức thanh luyện chính lý trí. Khởi từ viễn ảnh của Thiên Chúa, đức tin giải thoát lý trí khỏi sự mù quáng và vì thế giúp lý trí trở nên hoàn thiện hơn. Đức tin giúp lý trí chu toàn công việc cách hiệu quả hơn và thấy mục tiêu riêng rõ hơn. Giáo thuyết xã hội của Công giáo đặt mình vào chỗ ấy: nó không nhắm đem lại cho Hội Thánh quyền lực trên Chính quyền. Nó càng lại không muốn áp đặt trên những người không chia sẻ cùng một đức tin lối suy nghĩ và cách hành động riêng của mình. Nó chỉ muốn giúp thanh luyện lý trí và góp phần vào sự hiểu biết và đạt tới điều gì là công bình, nơi này và lúc này.
Giáo huấn xã hội của Hội Thánh biện luận trên nền tảng của lý trí và luật tự nhiên, nghĩa là, trên nền tảng của cái gì tương hợp với bản tính của nhân loại. Hội Thánh nhìn nhận rằng không phải trách nhiệm của mình là làm cho giáo huấn này chiếm ưu thế trong lãnh vực chính trị. Đúng hơn, Hội Thánh muốn giúp đào tạo lương tâm trong lãnh vực chính trị và kích thích sự hiểu biết rõ ràng hơn những đòi hỏi đích thực của sự công lý cũng như sự sẵn sàng lớn hơn để hành động cho phù hợp, cho dù nó có thể gây nên xung đột với những hoàn cảnh của lợi ích riêng tư. Xây dựng một xã hội công lý và trật tự dân sự, nơi ấy mỗi người lãnh nhận điều thuộc về họ, là một nhiệm vụ cốt yếu mà mọi thế hệ phải luôn mãi quan tâm. Vì là một nhiệm vụ chính trị, nó không thể là trách nhiệm trực tiếp của Hội Thánh. Tuy nhiên, bởi vì đây cũng là một trách nhiệm quan trọng nhất của nhân loại, Hội Thánh buộc lòng phải trao tặng một sự đóng góp riêng, qua việc thanh tẩy lý trí và qua việc huấn luyện đạo đức, để hiểu biết và chu toàn những đòi hỏi của công lý trong lãnh vực chính trị.
--Nguồn http://thanhlinh.net/node/4008 ngoại trừ từ "công bằng" được đổi với "công lý"